10 năm qua, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả các nội dung Nghị quyết 22-NQ/TW lồng ghép với thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, thông qua nhiều hình thức như tổ chức học tập, quán triệt trong các hội nghị, giới thiệu trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, trên các tạp chí chuyên đề, tài liệu sinh hoạt nội bộ,... Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Công Thương TW, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt làm rõ cam kết gia nhập WTO và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của hội nhập quốc tế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; một trong những định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của Đảng và nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh cũng đã thành lập, thường xuyên kiện toàn, bổ sung nhân sự Ban chỉ đạo HNQT tỉnh, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thiết lập cơ quan thường trực là Sở Công thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến các cam kết hội nhập. Đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan trung ương như các Ban chỉ đạo liên ngành về HNQT, các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kịp thời triển khai các nhiệm vụ HNQT trên các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, du lịch, văn hóa thể thao... trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, 10 năm qua, Ninh Bình đã thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tận dụng lợi ích từ các FTA mang lại. Các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường kết nối, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp đầu tư, Ninh Bình còn tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại các quốc gia tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, nông nghiệp công nghệ cao...
Sản xuất Camera và linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công Ty Điện Tử Mcnex Vina,
KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Duy Phương.
Ninh Bình cũng đã ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 với nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu nhằm tận dụng ưu đãi từ các FTA. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới... Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã có bước phát triển mạnh cả về kim ngạch và thị trường. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân của tỉnh giai đoạn 2013-2022 đạt 21,8%/năm, đến năm 2022 đạt 3.177,8 triệu USD, năm 2023 ước đạt 3.250 triệu USD, các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ngày càng đa dạng theo hướng tăng các sản phẩm công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại, camera modul, linh kiện ô tô.... được xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Quán triệt Nghị quyết 22-NQ/TW, Ninh Bình tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và giao lưu, hợp tác quốc tế với nhiều hình thức phong phú, góp phần tích cực vào thành công trong công tác hội nhập quốc tế. Các hoạt động trao đổi thông tin, hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về văn hóa tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân tỉnh Ninh Bình với các nước trên thế giới. Từ năm 2013 đến nay, các vận động viên tỉnh Ninh Bình đã giành được 234 huy chương các loại khi tham gia các giải đấu thể thao quốc tế. Qua đó đã góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh văn hóa đất nước Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng tới các quốc gia trên thế giới. Ninh Bình đã tổ chức nhiều chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Du lịch Ninh Bình - Điểm đến an toàn, hấp dẫn, chất lượng” và thông điệp du lịch của Tổng cục Du lịch “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” với các thị trường quốc tế. Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch như: Phố Cổ Hoa Lư; sản phẩm du lịch Golf và gia đình; hoạt động trải nghiệm bãi cắm trại Camping... Với những sản phẩm mới đa dạng hấp dẫn trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19. Năm 2022, toàn tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng năm 2023, toàn tỉnh ước đón 4,51 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Quyết định số 818/QĐ-UBND ngày 08/10/2013 về việc ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo HNQT tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập quốc tế và giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến hội nhập quốc tế. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng công nghệ, quản lý và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhanh chóng hoàn thành triển khai thực hiện việc xác định và hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên đã ký FTA. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đa dạng, độc đáo, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh; tuyên truyền giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào du lịch Ninh Bình. Tiếp tục phát huy công tác ngoại giao kinh tế, văn hóa đối ngoại thúc đẩy phát triển kinh tế và gắn kết ngoại giao văn hóa, chính trị với bạn bè quốc tế. Trong đó, tập trung tuyên truyền về môi trường đầu tư và giới thiệu, quảng bá các giá trị toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Thực hiện tốt các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào mừng các đoàn đại biểu, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Bình. Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch và quảng bá văn hóa của tỉnh.
Bài viết: Đỗ Tân - phòng XNK