Sun Win Fun: Trang Chủ

Khuyến cáo một số giải pháp tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng

Điện năng là một dạng năng lượng thiết yếu trong cuộc sống của con người. Nó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh hoạt, học tập của mỗi cá nhân cũng như hoạt động sản xuất, phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết cách sử dụng điện một cách tiết kiệm và hợp lý.

Từ đầu tháng 5 trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng cùng với thời gian nghỉ hè của học sinh vào giữa lúc dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt luôn ở mức cao. Đặc biệt, tình trạng lãng phí trong sử dụng điện vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình đã tăng lên từ 2 đến 3 lần so với tháng 4.
Trong điều kiện thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung làm mức độ tiêu thụ điện thường xuyên duy trì ở mức cao. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết trong những ngày gần đây, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đều ở mức trên dưới 42.000 MW – tức cao hơn mức công suất đỉnh năm 2020 tới gần 10%. Trong bối cảnh nguồn điện và mức tiêu thụ điện hiện tại như vậy dẫn đến dự phòng nguồn điện ở khu vực phía Bắc chỉ còn ở mức thấp, nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 15h00, buổi tối từ 17h00 đến 21h00.
Vì vậy việc lựa chọn và sử dụng thiết bị điện một cách tiết kiệm và hợp lý là một trong những giải pháp để góp phần tiết kiệm chi phí cho gia đình và chung tay với ngành điện trong việc vận hành lưới điện được an toàn, không bị quá tải.
* Lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện

Các thiết bị điện thế hệ càng mới thì khả năng tiết kiệm điện càng cao. Khi lựa chọn thiết bị điện quay (bơm, quạt, máy giặt…) nên chọn động cơ có nhiều nấc tốc độ hoặc có biến tần đi kèm. Với bóng đèn nên sử dụng đèn compact và đèn Led để thay thế bóng đèn sợi đốt, vì bóng đèn sợi đốt tiêu thụ điện nhiều hơn gấp 3 – 4 lần. Lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, càng nhiều sao càng tiết kiệm năng lượng.
** Lắp đặt thiết bị điện hợp lý và khoa học

Chú ý bố trí các thiết bị trong gia đình một cách hợp lý. Ví dụ như: đặt máy bơm ở vị trí sao cho khi bơm bể của bạn nhanh đầy nhất, quét sơn tường màu sáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm một phần chiếu sáng điện.
*** Điều chỉnh thói quen sử dụng điện trong gia đình
Với Thiết bị chiếu sáng

Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện Led có thể kéo dài tuổi thọ bóng đèn lên đến 10 lần (hiện nay số giờ sử dụng từ 30.000h ÷ 50.000h), tiêu thụ điện năng thấp hơn 70%-80% so với bóng đèn thường. Tận dụng nguồn sáng tự nhiên, chọn rèm cửa màu sáng, đặt giường cạnh cửa sổ giúp tăng ánh sáng, màu tường và nội thất nên chọn màu sáng. Sử dụng vách ngăn bằng kính, thủy tinh sẽ giúp nhà trông sáng hơn.
Với tủ lạnh

- Hạn chế mở tủ để đỡ tốn điện. Nhiệt độ bên trong tủ nên để ở 3 – 6 C. Với chế độ đông lạnh thì để -15 C đến  -18 C. Thường xuyên kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều hơn nên gây tốn điện. Chọn tủ lạnh có dung tích phù hợp với số nhân khẩu trong gia đình, không nên để tủ lạnh sát tường nên để cách từ 10 ÷ 15cm. Nên thường xuyên dọn dẹp và lau tủ lạnh 2 đến 3 lần/tháng để tủ hoạt động tốt hơn. Không để đồ ăn còn nóng và xếp quá nhiều đồ trong tủ lạnh. Cần chú ý cứ lạnh hơn 10 C thì tốn thêm 25% điện năng.
Với máy điều hòa

- Chọn loại có chứng nhận tiết kiệm năng lượng và có công suất tương thích với phòng: 9 – 15m2: 9.000 BTU; 15 – 20m2: 12.000 BTU; 20 – 30m2: 24.000 BTU. Duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức từ 25 ÷ 27 C. Thường xuyên lau chùi bộ phận lọc khí. Nên tắt máy lạnh trước khi ra khỏi phòng từ 15 phút đến 30 phút và chỉ sử dụng máy lạnh khi cần thiết. Kết hợp quạt và điều hòa để dễ lưu thông không khí và làm mát nhanh hơn.
Với quạt điện

- Sử dụng quạt có công suất và tốc độ vừa đủ để giảm hao phí điện năng (vì quạt chạy càng nhanh thì càng tốn điện). Hạn chế sử dụng nhiều chức năng cùng một lúc (phun sương, đèn,...). Tắt quạt, rút phích khi không sử dụng. Đóng cửa khi thời tiết nắng nóng để hạn chế gió mang khí nóng mang vào nhà. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh để quạt hoạt động tốt hơn. Tận dụng gió tự nhiên.
Với máy vi tính

- Không để màn hình ở chế độ quá sáng (vì màn hình có độ sáng càng cao, màu càng đậm thì càng tốn điện). Chọn màn hình tiết kiệm điện năng. Bật tất cả các chức năng tiết kiệm điện của máy tính. Không sử dụng máy tính quá lâu, nên có thời gian để máy tính nghỉ ngơi. Tắt toàn bộ máy tính khi không sử dụng, không nên để ở chế độ tạm nghỉ. Đặt máy nơi thoáng, tránh đặt sát tường, không nên sử dụng máy quá cũ.
Với bàn là

- Không dùng bàn là trong phòng có máy bật điều hòa hoặc khi quần áo còn ướt. Lau sạch bề mặt kim loại của bàn là sẽ nâng cao hiệu quả hơn. Khi tắt điện bạn có thể là được thêm 2 bộ quần áo nữa vì nhiệt của bàn là giảm chậm. Trước khi ủi cần kiểm tra nhiệt đọ của bàn ủi phù hợp với loại vải cần ủi. Phân loại quần áo theo chất liệu để ủi, nên ủi quần áo dày trước và quần áo mỏng sau.
Với máy giặt

- Chỉ dùng chế độ giặt nước nóng khi thật cần thiết (tùy theo loại máy). Nên điều chỉnh lượng nước phù hợp với lượng quần áo đem giặt. Chỉ sử dụng máy giặt khi đủ lượng quần áo, không giặt quá tải. Chọn loại bột giặt phù hợp để bảo vệ máy. Lựa chọn chế độ giặt, vắt phù hợp với từng loại vải và trang phục. Không nên sử dụng máy giặt quá cũ.
Với lò vi sóng

- Chọn lò vi sóng có công suất phù hợp. Sắp thực phẩm trong lò theo vòng tròn, thực phẩm lớn và nhiều thì xếp phía ngoài. Đặt những món nướng để gần với trần lò. Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hòa hoặc gần tivi, tủ lạnh... Đóng sát cửa lò và hạn chế mở cửa lò liên tục.
Với tivi

- Không nên để màn hình ở chế độ quá sáng, màu quá đậm. Không nên tắt tivi bằng điều khiển từ xa mà nên tắt bằng cách ấn nút máy. Chọn kích cỡ tivi phù hợp với phòng của bạn vì tivi càng to thì càng tốn điện. Rút phích cắm khi không sử dụng ti vi.
Với nồi cơm điện

Một nồi cơm điện tiêu thụ khoảng 10,8kWh điện/tháng để nấu 2 cốc gạo với 03 cốc nước (2 lần/ ngày). Sử dụng nồi cơm điện phù hợp với khẩu phần ăn của gia đình. Nên nấu cơm trước bữa ăn 30 – 45 phút. Tránh sử dụng chế độ hâm nóng trong thời gian dài. Lau chùi đáy và mâm nhiệt của nồi, để đảm bảo thời gian làm chín cơm.
Bình nước nóng

- Chọn bình có thể tích phù hợp với nhu cầu sử dụng. Rơ le nhiệt trên bình phải hoạt động tốt. Nên sử dụng bình nước nóng chạy bằng năng lượng mặt trời kết hợp với bình nước nóng chạy điện. Nên ngắt điện vào bình nước nóng trước khi sử dụng, mở vòi lạnh trước sau đó hãy điều chỉnh dần độ nóng để đảm bảo an toàn cho người. Không bật, tắt điện nhiều lần hoặc bật bình nóng lạnh liên tục, chỉ cần bật trước khi sử dụng 30 phút, nên tận dụng nhiệt độ còn trong bình để giảm thời gian đóng điện. Không nên dùng bình nước nóng vào giờ cao điểm (từ 9h30 – 11h30 và từ 17h – 20h) để tiết kiệm điện.
Ngoài ra, để sử dụng các thiết bị điện hiệu quả, bền vững và tiết kiệm năng lượng, cần chú ý bảo dưỡng định kỳ 3-6 tháng một lần.
Khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà để giảm tiền điện ở các bậc giá cao.


Nguyễn Việt Hùng – P. Quản lý năng lượng